QUẢ MƠ – SINH TÂN DỊCH VÀ GIẢI KHÁT

02/12/2020 00:18

Quả mơ là thứ quả quý dùng để giải khát và sinh tân dịch, là vị thuốc nổi tiếng trong Đông y.

 

Ảnh minh họa nguồn Internet

Mơ xanh được gọi là thanh mai, đem ngâm rượu gọi là rượu thanh mai, có thể chữa viêm dạ dày, nôn mửa, đau bụng, phong thấp, đau khớp xương, phòng cảm nắng, cảm nóng. Thanh mai được sấy khô có màu sẫm gọi là ô mai, là vị thuốc thường dùng trong Đông y. Ô mai vị chua, tính bình, vào đường can, tì phế, đại tràng, có công hiệu nhiều mặt, chữa được nhiều bệnh.

Ảnh minh họa nguồn Internet

Bị chứng ho lâu ngày làm tổn thương phổi, phế khí phù tán dẫn đến ho khan khó khỏi: có thể dùng ô mai kết hợp với bãn hạ, hạnh nhân, bách hợp, tử uyển, túc xác, hoàn phác hoa điều trị.

Đại tiện phân nát, tiêu chảy do tì vị hư, viêm đại tràng, sa hậu môn: có thể dùng ô mai kết hợp với đẳng sâm, bạch truật, kha tử. Đại tiện ra máu, kinh nguyệt quá nhiều cũng có thể dùng ô mai kết hợp với địa du, hoa hòe, ngải thán, thược dược, đẳng sâm để chữa. Ra mồ hôi trộm thì kết hợp ô mai với hoàng kỳ, đương quy, ma hoàng căn cũng có hiệu quả điều trị khá tốt.

Ô mai còn có tác dụng sinh tân dịch, chữa khô khát: miệng khát do phiền nhiệt, dùng ô mai kết hợp với thiên hoa phấn, ngọc trúc, thạch lộc. Để chữa cảm nắng cảm nóng, giải khát, sinh tân dịch, dùng ô mai với ố lượng vừa phải, 3 thìa con đường, cho nước đun sôi để nguội uống. Người bệnh đái tháo đường không tự chủ tiểu tiện, cơ năng sinh lý tuyến giáp trạng quá mức bình thường dẫn đến miệng khô khát thì dùng bài lục vị địa hoàng thang thêm ô mai, ngũ vị tử và một ít nhục quế sẽ thấy hiệu quả.

Ô mai cũng có tác dụng:

  • Trị giun đũa, chữa nôn, giảm đau: Do ô mai có vị chua nên làm cho giun đũa bị mềm. Khi đau bụng và nôn do giun có thể lấy 30g ô mai và một chút đường sắc thành 1 cốc nước to để nguội uống sẽ nhanh chóng hết đau.
  • Lợi mật, làm tan sỏi: nếu đau do quặn do sỏi mật, viêm túi mật, dùng ô mai kết hợp với kim tiền thảo, hải kim sa, diên hồ tố, kê kim nội, cam thảo chế sẽ thấy hiệu quả.
  • Bổ dạ dày, khai vị: Ô mai kết hợp với thuốc bổ khí có tác dụng tốt làm sản sinh nhanh tân dịch giúp dễ tiêu và dễ hấp thu thức ăn.
  • Những người bị trúng phong, hàm răng nghiến chặt có thể dùng ô mai đánh gió. Việc dùng ô mai bên ngoài cũng có tác dụng làm mềm và tan mụn cóc trên da.
  • Hoa mơ cũng có tác dụng chữa bệnh. Nụ mơ hé nở thu hái, ướp đường hoặc dùng pha trà, pha nước chấm hay nấu cháo đều tốt. Hạt mơ điều trị tình trạng can khí uất kết, khó chịu trong ngực, dạ dày hoạt động kém. Lá  mơ, rễ mơ, cành mơ đều có thể dùng làm thuốc điều trị bệnh phụ khoa, sỏi mật…

Do mơ có vị chua, tính ấm, ăn nhiều hại răng, sinh đờm, thêm nhiệt nên người bị cảm mạo, dạ dày nhiều chất acid, trẻ em bị lên đậu cấp tính không được dùng.

Ảnh minh họa nguồn Internet

Một số bài thuốc chữa bệnh bằng mơ:

  • Đau xương khớp dạng phong thấp: vừa uống rượu thanh mai vừa dùng rượu này xoa bóp, ngày vài lần.
  • Ra mồ hôi trộm: Ma hoàng căn, hoàng kỳ, đương quy, ô mai, mỗi vị 10g sắc uống.
  • Đi lỏng dài ngày do tỳ hư: Đẳng sâm, bạch truật, kha tử, ô mai, mỗi loại 10 sắc uống.
  • Miệng khô khát do phiền nhiệt: Thiên hoa phấn, ngọc trúc, thạch bộc, ô mai mỗi vị 6g, sắc uống.
  • Tẩy giun đũa: Ô mai 10g; xuyên tiêu 6g, gừng 3 lát sắc uống.
  • Sỏi mật, viêm đau túi mật: Kim tiền thảo, hải kim sa, diên hồ tố, kê nội kim, ô mai, cam thảo chế mỗi loại 15 sắc uống.
  • Trung phong, răng nghiến chặt: Đánh gió bằng ô mai.
  • Mụn cóc: Ô mai 30g, ngâm nước muối 24h, bỏ hạt, tra ít dấm, nghiền thành dạng cao, đắp trên mụn cóc

Kim Thu
Nguồn http://baithuocquanhta.com/cay-thuoc/qua-mo-sinh-tan-dich-va-giai-khat/

Bạn đang đọc bài viết "QUẢ MƠ – SINH TÂN DỊCH VÀ GIẢI KHÁT" tại chuyên mục Bài thuốc dân gian.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://propr.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.